Ngứa hậu môn là hiện tượng mà hầu hết mọi người đều đã từng gặp phải trong đời. Đây không phải là bệnh, nó là một hiện tượng sinh lý hoặc triệu chứng của bệnh lý nào đó liên quan đến hậu môn, trực tràng. Ngứa hậu môn khiến nhiều người rơi vào tình huống dở khóc dở cười nhất là khi họ đang ở nơi công cộng, không biết phải xử lý như thế nào.
Vì là hiện tượng nhạy cảm nên nhiều người khi bị ngứa hậu môn thường không dám đi khám mà âm thầm tự xử lý một mình, vô tình khiến cho tình trạng không được cải thiện mà còn có chiều hướng nặng thêm. Bài viết sau chúng ta cùng tìm hiểu về hiện tượng này để biết ngứa hậu môn là bệnh gì.
Định nghĩa về ngứa hậu môn
Ngứa hậu môn được chia làm 2 loại: Ngứa hậu môn do sinh lý và ngứa hậu môn do bệnh lý.
Ngứa hậu môn sinh lý là hiện tượng ngứa tương tự như khi chúng ta bất chợt bị ngứa ở một điểm nào đó trên cơ thể. Ngứa hậu môn do sinh lý thường chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn là tự khỏi. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể do niêm mạc xung quanh hậu môn quá khô hoặc quá ướt, do dị ứng với nước giặt, chất liệu vải của quần áo, dùng xà phòng để rửa hậu môn, kích ứng với các loại thức ăn, đồ uống, do không vệ sinh hậu môn, vùng kín sạch sẽ sau khi đi tiểu tiện, đại tiện.
Ngứa hậu môn bệnh lý: Là biểu hiện của nhiều bệnh lý xảy ra tại khu vực hậu môn, trực tràng. Ngứa hậu môn do bệnh lý khác ngứa do sinh lý ở chỗ hiện tượng có tính lặp đi lặp lại nhiều lần, trong khoảng thời gian dài và ngoài ngứa ra người bệnh còn có thêm những biểu hiện đặc trưng khác.
Những điều về ngứa hậu môn mà bạn cần biết
- Nguyên nhân bị ngứa hậu môn là gì?
- Điều trị ngứa hậu môn bằng cách nào?
Một số bệnh lý thường gặp khi bị ngứa hậu môn
- Nhiễm giun kim: Là một bệnh lý rất phổ biến ở mọi người nhưng gặp nhiều nhất ở trẻ nhỏ. Khi bị nhiễm giun kim, người bệnh có biểu hiện là ngứa hậu môn nhất là tầm chiều tối về đêm (đây là thời điểm giun kim di chuyển đến của hậu môn và đẻ trứng).
- Trĩ là bệnh lý phổ biến nhất tại khu vực hậu môn, trực tràng. Bên cạnh các dấu hiệu như đi đại tiện ra máu, đau nhức, sa búi trĩ người bệnh còn có biểu hiện bị ngứa hậu môn do khi này dịch nhầy liên tục tiết ra tại đây gây ẩm ướt, ngứa ngáy.
- Những bệnh lý khác như áp xe hậu môn, nứt kẽ hậu môn, polip đại trực tràng, ung thư trực tràng người bệnh có thể có hiện tượng ngứa ngáy.
- Chứng tiêu chảy, kiết lỵ kéo dài có thể là nguyên nhân dẫn đến ngứa hậu môn do vi khuẩn gây ra tiêu chảy theo đường tiêu hóa đến hậu môn sinh sôi phát triển tại đây. Đồng thời phân của những người bị tiêu chảy thường dễ gây kích ứng lên niêm mạc xung quanh hậu môn hơn những người có thể dạng phân bình thường.
- Những người thường xuyên bị táo bón thường hay lạm dụng thuốc nhuận tràng, sinh ra chứng tiêu chảy cũng là một nguyên nhân dẫn đến ngứa hậu môn.
- Người mắc các bệnh ngoài da như vảy nến hay chứng tăng tiết bã nhờn khiến da bị kích ứng mạnh cũng khiến cho hậu môn bị ngứa ngáy.
- Dị ứng với thuốc: Một số loại gel bôi, thuốc đặt hậu môn để chữa các bệnh như trĩ, nứt kẽ hậu môn…có thể có tác dụng phụ gây ngứa ngáy hậu môn. Mgoài ra nhiều loại thuốc uống như thuốc tránh thai khi sử dụng người bệnh thường gặp phải hiện tượng ngứa ngoài da, trong đó có ngứa hậu môn. Hiện tượng sẽ chấm dứt khi người bệnh ngưng dùng thuốc.
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn gây tổn thương, xước, viêm loét hoặc mắc các bệnh tình dục tại hậu môn như (sùi mào gà, mụn rộp sinh dục..) là nguyên nhân gây ngứa hậu môn thường gặp ở người đồng tính nam.
- Nữ giới có thể bị ngứa hậu môn do vô tình làm lây nhiễm nấm Candida (một loại nấm có trong âm đạo chị em) sang hậu môn do quá trình vệ sinh vùng kín không đúng cách.
- Ngoài ra ngứa hậu môn có thể là dấu hiệu cảnh báo về sự xuất hiện của khối u (có thể lành tính hoặc ác tính) xung quanh hậu môn.
Trên đây là một số nguy cơ có thể gặp phải khi một người có hiện tượng ngứa hậu môn. Nếu ngứa hậu môn chỉ diễn ra trong một vài khoảnh khắc thì không quá lo ngại, mọi người chỉ cần chú ý hơn trong vấn đề vệ sinh cá nhân, trang phục là sẽ hết ngứa ngáy. Trong trường hợp bị ngứa hậu môn kéo dài kèm theo nhiều biểu hiện khác lạ khác thì nên thu xếp đi khám để có hướng xử lý phù hợp nhất. Đồng thời mọi người nên tập thói quen tẩy giun định kì để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.