1. Rối loạn cương dương
1.1 Nguyên nhân gây bệnh
+ Căng thẳng, lo âu;
+ Uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá nhiều;
+ Triệu chứng hậu phẫu thuật (phẫu thuật tuyến tiền liệt);
+ Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường, cao huyết áp, trầm cảm, lo âu,...
+ Tác dụng phụ của một số loại thuốc.
1.2 Triệu chứng bệnh
+ Mất khả năng đạt được sự cương cứng, không thể duy trì trạng thái cương cứng đủ lâu để thực hiện các hoạt động quan hệ tình dục;
+ Tình trạng cương cứng kéo dài rất lâu, thường trên 4 tiếng, gây đau đớn liên tục. Tuy nhiên, tình trạng này lại không hình thành bởi sự kích thích hay ham muốn tình dục;
+ Những vấn đề khác: Không thể xuất tinh, xuất tinh sớm, xuất tinh trễ, giảm xuất tinh, xuất tinh ngược (tinh dịch đi vào bàng quang thay vì đi ra ngoài thông qua dương vật), đau khi xuất tinh,...
1.3 Biện pháp phòng tránh
+ Hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia, thức uống có cồn;
+ Tìm hiểu về những loại thuốc bạn đang sử dụng, xem chúng có phải nguyên nhân gây rối loạn cương dương không. Nếu có thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được đổi loại thuốc khác;
+ Sử dụng các loại thuốc giúp đạt được trạng thái cương cứng. Nam giới chú ý dùng thuốc điều độ, không lạm dụng, tuân thủ đúng lời khuyên của bác sĩ;
+ Sử dụng thuốc chống trầm cảm và lo âu, gặp bác sĩ để được tư vấn về tình trạng này;
2. Bệnh Peyronie (dương vật bị cong)
Bệnh Peyronie là tình trạng dương vật phát triển bị cong thấy rõ, nhất là khi dương vật cương lên. Tình trạng cong dương vật này là do các mảng mô sợi (giống mô sẹo) phát triển dưới da dương vật. Bệnh gây đau dương vật khi cương cứng, đôi khi không giao hợp được. Bệnh Peyronie thường gặp ở nam giới tuổi trung niên.
Peyronie là một bệnh nhẹ, dấu hiệu thường thấy là dương vật bị cong từ từ hoặc vặn lại thành góc, lúc cương cứng bị đau và các mảng mô sợi dưới da dày lên. Bệnh phát triển chậm qua nhiều tháng hoặc nhiều năm, đôi khi hết dần và biến mất cùng một cách như khi phát sinh và hiếm khi trầm trọng. Đến nay vẫn chưa có cách điều trị bệnh Peyronie.
3. Rối loạn cực khoái
3.1 Nguyên nhân gây bệnh
+ Sự lão hóa;
+ Căng thẳng, trầm cảm, lo lắng, thiếu tự tin;
+ Ảnh hưởng của một số bệnh lý, ví dụ tiểu đường;
+ Đã trải qua các cuộc phẫu thuật phụ khoa;
+ Sử dụng một số loại thuốc nhất định để điều trị cho các vấn đề sức khỏe khác (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc dành cho bệnh nhân trầm cảm);
+ Có lịch sử lạm dụng tình dục.
3.2 Triệu chứng bệnh
Trong một số trường hợp, nam giới có thể không đạt được cực khoái dù đã được kích thích nhiều.
3.3 Cách phòng tránh
+ Kiểm tra và điều trị các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn;
+ Thay đổi loại thuốc hoặc các phương pháp điều trị trầm cảm đang áp dụng;
+ Thực hiện các liệu pháp nhận thức, hành vi hoặc liệu pháp tình dục;
+ Tăng kích thích trong thủ dâm và quan hệ tình dục bằng cách áp dụng tư thế mới hoặc các dụng cụ hỗ trợ.
4. Thay đổi ham muốn tình dục
4.1 Nguyên nhân gây bệnh
+ Giảm ham muốn tình dục: Do trầm cảm, gặp một số vấn đề về mối quan hệ với nửa kia hoặc mất cân bằng nội tiết tố;
+ Tăng ham muốn tình dục: Do tăng đáng kể và đột ngột trong ham muốn (đặc biệt ở người cao tuổi) hoặc sử dụng các chất gây nghiện, do các tình trạng bệnh lý có ảnh hưởng đến não.
4.2 Triệu chứng bệnh
Mức độ ham muốn tình dục của nam giới sẽ thay đổi rõ rệt. Lúc này, nam giới có thể đột nhiên trở nên nghiện quan hệ tình dục hoặc mất hết hứng thú trong chuyện chăn gối.
4.3 Cách phòng tránh
+ Tìm hiểu và loại bỏ các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống;
+ Tăng cường tiêu thụ những loại thực phẩm có khả năng kích thích ham muốn, ví dụ hàu;
+ Tập thể dục thường xuyên và đều đặn hơn;
+ Có những đổi mới trong đời sống tình dục để tăng hứng thú;
+ Hỏi ý kiến bác sĩ để điều trị bằng thuốc hoặc áp dụng các phương pháp can thiệp y tế cần thiết khác.
5. Bệnh lây truyền qua tình dục
5.1 Nguyên nhân gây bệnh
Nam giới có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nếu:
+ Quan hệ với nhiều bạn tình khác nhau;
+ Quan hệ tình dục với người có nhiều bạn tình;
+ Không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục;
+ Sử dụng chung kim tiêm với người khác, đặc biệt là những người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
5.2 Triệu chứng bệnh
Có nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ảnh hưởng tiêu cực tới dương vật như: mụn cóc sinh dục, lậu, nhiễm nấm chlamydia, giang mai và các mụn rộp sinh dục. Các triệu chứng thông thường là đau rát khi tiểu tiện, chảy máu dương vật, xuất hiện các vết loét hoặc sưng ở dương vật.
Những bệnh dễ lây truyền qua đường tình dục là:
Lậu
Bệnh lây chủ yếu qua đường tình dục hoặc dùng chung khăn tắm, đồ lót có dây mủ niệu đạo, âm đạo của người mắc bệnh lậu. Nam giới mắc bệnh lậu có triệu chứng đau dương vật hoặc đau khi đi tiểu. Nhiều trường hợp bị chít hẹp niệu đạo, phải thông tiểu nhiều lần, dễ dẫn đến viêm đường tiết niệu ngược dòng, rất khó khăn khi điều trị.
Nhiễm nấm Chlamydia
Đây là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh lây lan qua đường tình dục. Đặc biệt, một đặc điểm nguy hiểm của căn bệnh này là có tới 40% các trường hợp nhiễm nấm Chlamydia không biểu hiện triệu chứng. Ngược lại, bệnh chỉ thường được phát hiện thông qua các biến chứng ở giai đoạn muộn. Lúc này, việc điều trị cũng phức tạp hơn và tốn kém hơn.
Giang mai
Bệnh giang mai do một loại vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục gây ra. Triệu chứng ban đầu của bệnh là xuất hiện các vết loét không đau trên dương vật. Đây là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị đúng đắn có thể gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác trên cơ thể. Để điều trị bệnh giang mai, bệnh nhân được chỉ định uống thuốc kháng sinh đủ liều và sớm theo từng giai đoạn bệnh.
Mụn rộp dương vật
Các virus HSV-1 và HSV-2 gây mụn nước nhỏ, nốt nhú và loét trên dương vật, niêm mạc vùng hậu môn. Có tới 80% các trường hợp mắc bệnh không biểu hiện bất cứ triệu chứng gì nên nguy cơ bệnh lây truyền là rất cao. Bên cạnh đó, mụn rộp cũng thường phối hợp với sự lây nhiễm của HIV.
Mụn cóc dương vật
Các loại virus HPV có thể gây mụn cóc ở dương vật. Mụn cóc cũng rất dễ lây lan khi quan hệ tình dục không an toàn. Biểu hiện của nó là những mụn cóc màu da, nổi trên dương vật, bìu, xung quanh hậu môn,... Hiện có nhiều phương pháp điều trị mụn cóc dương vật và việc điều trị cũng không quá khó khăn.
5.3 Cách phòng tránh
Để ngăn ngừa nguy cơ mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình duc, bệnh nhân nên:
+ Tránh quan hệ tình dục với những người có biểu hiện bất thường trên cơ quan sinh dục như có vết loét, phát ban;
+ Sử dụng bao cao su mỗi khi sinh hoạt tình dục;
+ Tránh dùng chung khăn tắm hoặc đồ lót với người khác;
+ Vệ sinh kỹ trước và sau khi quan hệ tình dục;
+ Tiêm phòng viêm gan B;
+ Kiểm tra HIV.
6. Hẹp hoặc bán hẹp bao quy đầu
6.1 Hẹp và bán hẹp bao quy đầu là gì?
+ Hẹp bao quy đầu: Xảy ra ở dương vật chưa qua tiểu phẫu cắt bao quy đầu. Khi mắc chứng bệnh này, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn trong việc kéo phần bao quy đầu xuống để lộ đầu dương vật. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây nhiễm trùng, đau đớn khi đi vệ sinh hoặc khi đạt trạng thái cương cứng;
+ Bán hẹp bao quy đầu: Xảy ra khi phần da của bao quy đầu không thể trở về vị trí ban đầu sau khi kéo phần da này xuống gốc dương vật. Tình trạng này khiến dương vật bị sưng lên, mang lại cảm giác đau đớn và gây tổn hại tới vòng tuần hoàn máu.
6.2 Nguyên nhân gây bệnh
+ Mô sẹo: Nhiễm trùng có thể gây tổn hại lên phần bao quy đầu, để lại sẹo trên khu vực này, khiến vùng da bao quy đầu mất đi độ đàn hồi vốn có. Điều này khiến việc kéo phần da bao quy đầu xuống trở nên khó khăn hơn;
+ Dùng lực quá mức: Việc nam giới kéo bao quy đầu quá nhanh hoặc quá mạnh tay có thể để lại những vết rách nhỏ trên phần mô ở vùng da này và gây nhiễm trùng. Và nhiễm trùng cũng dẫn tới việc hình thành các mô sẹo, gây hẹp bao quy đầu;
+ Lão hóa: Phần da ở bao quy đầu cũng dần xuất hiện nếp nhăn, giảm dần độ đàn hồi qua thời gian. Đặc biệt, nam giới càng dễ mắc chứng bệnh này nếu ít khi đạt trạng thái cương cứng;
+ Do bệnh lý: Nếu mắc phải một số bệnh lý như tiểu đường, nam giới dễ mắc chứng viêm bao quy đầu - tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở phần đầu dương vật. Hậu quả là dẫn tới bệnh hẹp bao quy đầu.
6.3 Triệu chứng
-
Bao quy đầu bị mắc kẹt ở một vị trí: Trường hợp hẹp bao quy đầu, bộ phận này bị kẹt ở đầu dương vật. Ngược lại, khi bị bán hẹp bao quy đầu, vùng da này bị mắc kẹt ở thân hoặc gốc dương vật;
-
Bao quy đầu sưng: Khi đi vệ sinh, bệnh nhân có thể bị sưng, đau bao quy đầu. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể phát hiện có một ít máu lẫn với nước tiểu và lưu lượng dòng nước tiểu yếu hơn bình thường;
-
Đau khi quan hệ tình dục: Khi đạt trạng thái cương cứng, bệnh nhân bị đau;
-
Viêm nhiễm: Người bệnh hẹp bao quy đầu có nguy cơ mắc các chứng bệnh viêm đường tiết niệu. Các triệu chứng gồm đau đớn hoặc bỏng rát khi đi tiểu, liên tục có cảm giác mắc tiểu dù không có nước tiểu trong bàng quang, đau vùng bụng dưới hoặc vùng lưng;
-
Đau bao quy đầu: Bệnh nhân có triệu chứng đau ở vị trí bao quy đầu. Một số trường hợp có hiện tượng bao quy đầu tiết ra chất nhờn;
-
Xuất hiện các đốm trắng: Ở khu vực xung quanh bao quy đầu xuất hiện những đốm trắng hoặc mảng bám trắng;
-
Sưng tấy: Chủ yếu ở phần đầu dương vật. Một số trường hợp sưng toàn bộ dương vật.
6.4 Cách phòng tránh
+ Thường xuyên vệ sinh kỹ phần đầu dương vật cùng bao quy đầu;
+ Cẩn thận và nhẹ tay khi thực hiện các động tác kéo phần bao quy đầu xuống. Sau khi vệ sinh xong nên kéo bao quy đầu trở về vị trí ban đầu;
+ Hỏi ý kiến bác sĩ về việc thực hiện tiểu phẫu cắt bao quy đầu nếu bị hẹp hoặc bán hẹp bao quy đầu để ngăn ngừa tái diễn bệnh.
7. Bệnh nhiễm trùng nấm men
Đây là căn bệnh thường gặp ở dương vật, có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng khác nếu nhiễm trùng lây lan vào máu.
7.1 Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh bắt nguồn từ nấm Candida. Môi trường ẩm ướt là điều kiện thích hợp để nấm men Candida dễ dàng sinh sôi và lây lan. Bên cạnh đó, quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình bị bệnh nhiễm trùng nấm men chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh.
7.2 Triệu chứng Bệnh
+ Nổi các đốm phát ban đỏ, đôi khi có màu trắng trên dương vật;
+ Phần da dương vật trở nên ẩm ướt;
+ Xuất hiện một lớp mảng trắng dưới bao quy đầu;
+ Có cảm giác ngứa ngáy, bỏng rát ở bộ phận sinh dục.
7.3 Cách phòng tránh
+ Hạn chế tối đa việc quan hệ tình dục với người đang mắc chứng nhiễm trùng nấm men;
+ Sử dụng bao cao su khi sinh hoạt tình dục;
+ Sống lành mạnh, một vợ một chồng;
+ Vệ sinh bộ phận sinh dục kỹ càng, dùng đồ lót thấm mồ hôi tốt, thoáng khí để nấm men không có cơ hội phát triển;
+ Những người chưa cắt bao quy đầu nên vệ sinh khu vực dưới bao quy đầu sạch sẽ. Đừng quên điều chỉnh bao quy đầu về vị trí ban đầu sau khi vệ sinh và sau khi quan hệ tình dục.
8. Viêm niệu đạo
Viêm hoặc nhiễm trùng niệu đạo thường do bệnh lậu và nấm Chlamydia gây ra. Bệnh gây nhiều triệu chứng đau đớn cho nam giới khi tiểu tiện.
Viêm niệu đạo gồm viêm đặc hiệu và viêm không đặc hiệu. Với viêm niệu đạo không đặc hiệu, ở miệng sáo thường có một số chủng vi khuẩn sinh sống. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, những vi khuẩn này sẽ phát triển mạnh, lan sâu vào niệu đạo, ống dẫn tinh gây viêm tinh hoàn - mào tinh hoàn. Điều kiện thuận lợi để vi khuẩn ở miệng sáo phát triển gây viêm là không giữ vệ sinh vùng miệng sáo, uống ít nước, hẹp bao quy đầu,...
9. Bệnh ung thư dương vật
Bệnh ung thư dương vật là một dạng ung thư khá hiếm gặp, có thể gây ảnh hưởng tới phần da và các mô của dương vật. Mặc dù phát triển chậm nhưng bệnh có thể lây lan tới các cơ quan khác trên cơ thể và dẫn tới tử vong.
9.1 Nguyên nhân gây bệnh
Tương tự như các loại ung thư khác, ung thư dương vật xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh phát triển thành tế bào ung thư. Các tế bào ác tính có thể di căn tới một số khu vực khác trong cơ thể, bao gồm các tuyến, các hạch bạch huyết và nhiều cơ quan khác. Nam giới có nguy cơ cao mắc ung thư dương vật nếu:
+ Trên 60 tuổi;
+ Thường xuyên hút thuốc lá;
+ Không chú ý vệ sinh cơ quan sinh dục;
+ Có nhiều bạn tình;
+ Sống ở nơi có môi trường ô nhiễm;
+ Mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục, nhiễm virus HPV.
9.2 Triệu chứng bệnh
+ Xuất hiện các khối u hoặc vết loét trên dương vật, trông giống những vết sẹo, vết sưng nhỏ hoặc một vết thương nhiễm trùng. Trong nhiều trường hợp, những khối u và vết loét này sẽ xuất hiện ở phần đầu dương vật hoặc bao quy đầu thay vì phần thân;
+ Có cảm giác ngứa ngáy, bỏng rát cơ quan sinh dục;
+ Dương vật tiết ra chất nhờn;
+ Thay đổi màu dương vật;
+ Da dương vật sưng lên;
+ Chảy máu dương vật;
+ Dương vật dễ bị kích ứng;
+ Nổi các đốm đỏ;
+ Sưng hạch bạch huyết vùng bẹn.
9.3 Cách phòng tránh
Để hạn chế nguy cơ ung thư dương vật, nam giới nên:
+ Hạn chế hoặc bỏ hẳn thói quen hút thuốc lá;
+ Vệ sinh sạch sẽ cơ quan sinh dục, đặc biệt là vùng da dưới bao quy đầu;
+ Sử dụng bao cao su và các biện pháp bảo vệ khác khi quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm virus HPV;
+ Tiêm vacxin phòng ngừa nhiễm HPV.
Dương vật là cơ quan rất quan trọng đối với sức khỏe và khả năng sinh sản của nam giới. Vì vậy nam giới nên chú ý theo dõi dương vật, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường cần lập tức đi khám tại các bệnh viện lớn để phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả.